Trong quá trình phát triển và trưởng thành, trẻ em và thanh thiếu niên đôi khi gặp các khó khăn về việc học ở trường, khó tập trung chú ý, chậm phát triển ngôn ngữ/ giao tiếp, hoặc khó hoà hợp với cha mẹ, thầy cô, hay bạn bè …. Khi điều này xảy ra, việc đánh giá tâm lý có thể giúp xác định được các khó khăn đó ở mức độ nào, nguyên nhân là từ đâu để có thể có chiến lược hỗ trợ và can thiệp hiệu quả, kịp thời.
Đánh giá tâm lý cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sự phát triển trí tuệ, học tập, ngôn ngữ – giao tiếp, mối quan hệ xã hội với người khác, hành vi – cảm xúc và nhân cách của trẻ. Mục tiêu của đánh giá tâm lý sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị phù hợp để lập kế hoạch cho nhu cầu điều trị, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ toàn diện. Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ tinh thần Minh Trí với các nhà chuyên môn được đào tạo chuyên sâu, có năng lực đánh giá sẽ cung cấp một loạt các dịch vụ đánh giá cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Đánh giá tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên là một loạt các cuộc phỏng vấn và kiểm tra bằng trắc nghiệm/ thang đo tâm lý nhằm đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của trẻ trên nhiều lĩnh vực: trí tuệ, chú ý, trí nhớ, cảm xúc, khả năng học tập, hành vi…. Kết quả đánh giá sẽ giúp nhà chuyên môn và cha mẹ có thể hiểu về trẻ hơn, tìm kiếm các hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm thần, tâm lý học, giáo dục, trị liệu ngôn ngữ …. Đánh giá cũng sẽ cho chúng ta hiểu hơn về điểm mạnh của trẻ như năng lực ngôn ngữ, trí tuệ, hành vi cảm xúc để có thể phát triển tối đa tiềm năng. Việc đánh giá tâm lý phải được thực hiện bởi các nhà chuyên môn đủ năng lực và các trắc nghiệm/ thang đo tiêu chuẩn.
Việc đánh giá tâm lý luôn được cá nhân hoá, dựa trên nhu cầu của trẻ, giải quyết các mối lo ngại của cha mẹ/ người chăm sóc/ giáo viên. Đánh giá tâm lý có thể xem xét:
• Trí thông minh/ trí tuệ của trẻ: Việc đánh giá trí tuệ phải dựa trên trắc nghiệm tiêu chuẩn để tìm kiếm xem trẻ có tình trạng chậm phát triển hay không? Nếu không phải là chậm phát triển thì trẻ sẽ có các khó khăn nào về chức năng nhận thức (năng lực tri giác, chú ý, ghi nhớ, kết nối thông tin, khả năng tư duy), hoặc trẻ có các khả năng/ năng khiếu gì về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, tư duy ngôn ngữ, tốc độ xử lý thông tin … Kết quả đánh gía sẽ giúp chúng ta thấy được bức tranh chung về năng lực trí tuệ/ nhận thức của trẻ để có thể có các chiến lược hỗ trợ, điều trị kịp thời, hoặc giúp trẻ phát triển tiềm năng của bản thân.
• Năng lực và thành tích về học tập: Việc đo lường này phải sử dụng các trắc nghiệm đánh giá về khả năng đọc, làm toán, viết, suy luận … của trẻ. Bằng cách đánh giá nhà tâm lý cũng có thể xem trẻ có khả năng rối loạn/ khuyết tật học tập hay không (VD: chứng khó đọc, rối loạn tính toán …)? Trẻ có điểm mạnh trong quá trình học? Với những trẻ có rối loạn học tập/ nhu cầu đặc biệt (khoảng 5-8% trẻ trong trường học có vấn đề này), đánh giá tâm lý có thể giúp xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân một cách hiệu quả. Điều này giúp trẻ giảm sự tự ti, nâng cao thành tích học tập và phòng ngừa các rối loạn khác về hành vi cảm xúc như bạo lực, gây hấn, bỏ học, mất động cơ, lo âu, trầm cảm …
• Tăng động/ giảm chú ý (ADHD): Trắc nghiệm tâm lý có thể xác định được rối loạn tăng động/ giảm chú ý ở trẻ em (ADHD). Các trắc nghiệm này có thể giúp đo lường các kỹ năng ghi nhớ, khả năng suy luận, chức năng điều hành và kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức hoạt động của trẻ. Điều này giúp trẻ sẽ nâng cao khả năng học tập, xây dựng mối quan hệ hiệu quả với bạn bè, thầy cô ở trường …
• Các vấn đề hành vi, cảm xúc và xã hội ở trẻ em và thanh thiếu niên: Các trắc nghiệm/ thang đo tâm lý tiêu chuẩn sẽ kiểm tra các vấn đề hướng nội (trầm cảm, lo âu, thu mình, thiếu hụt xã hội, tự hại) và/ hoặc các vấn đề hướng ngoại (gây hấn, bạo lực, tăng động, ứng xử …) ở trẻ em và thanh thiếu niên. Việc đánh giá này sẽ giúp nhà tâm lý xác định xem trẻ đang có các rối loạn tâm thần hay chỉ ở mức khó khăn, điều đó giúp xây dựng chiến lược quản lý hành vi – cảm xúc ở nhà hoặc trường học. Kết quả đánh giá cũng sẽ cung cấp cho các nhà trị liệu tâm lý thông tin để lập kế hoạch điều trị cho trẻ em một cách hiệu quả nhất.
Việc tham gia vào toàn bộ quá trình đánh giá tâm lý của cha mẹ/ người chăm sóc là cực kỳ quan trọng.
Trước buổi đánh giá đầu tiên, cha mẹ/ người chăm sóc cần hoàn thiện các thông tin cơ bản về lịch sử phát triển, chăm sóc y tế, phát triển giao tiếp xã hội và học tập của trẻ. Thông tin này cùng với kết quả đánh giá và báo cáo trước đó của trường học là bước khởi đầu của quá trình đánh giá tâm lý.
Giai đoạn tiếp theo bao gồm các cuộc phỏng vấn của chuyên viên tâm lý với cha mẹ, và cả trẻ. Cha mẹ cung cấp các thông tin về điểm mạnh, điểm yếu của trẻ và thảo luận về các lĩnh vực mà trẻ đặc biệt quan tâm. Sau đó, trẻ sẽ phải trải qua một (hoặc một số buổi) kiểm tra các chức năng tâm lý như nhận thức, cảm xúc, hành vi, học tập, ngôn ngữ, quan hệ xã hội… thông qua các trắc nghiệm/ thang đo tâm lý tiêu chuẩn.
Sau khi thu thập đầy đủ các thông tin, chuyên viên tâm lý sẽ hoàn thành một báo cáo bằng văn bản về kết quả đánh giá cũng như các khuyến nghị cần thiết. Chuyên viên tâm lý sẽ gặp và trao đổi với cha mẹ/ người chăm sóc để xem xét kết quả, thảo luận về các đề xuất được khuyến nghị.
Tại Minh Trí, chương trình đánh giá tâm lý – giáo dục cung cấp nhiều dịch vụ kiểm tra tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 24 tháng đến 16 tuổi. Các đánh giá bao gồm:
I) kiểm tra sàng lọc rối loạn phát triển trẻ em (rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ/ giao tiếp,….).
II) kiểm tra về trí thông minh/ trí tuệ của trẻ, cũng như đánh giá xem năng lực nhận thức của trẻ như thế nào: năng lực tri giác, ghi nhớ, tư duy …
III) kiểm tra năng lực học tập của trẻ khi trẻ có các khó khăn và giảm thành tích: khó khăn về đọc, viết, tính toán, chính tả ….
IV) kiểm tra rối loạn tăng động/ giảm chú ý (ADHD).
V) Kiểm tra các rối loạn/ vấn đề hành vi cảm xúc như trầm cảm, lo âu, thu mình, tự hại, bạo lực, gân hấn, tăng động, kém ứng xử ….
VI) Kiểm tra về động cơ học tập của trẻ em và thanh thiếu niên.
Tại Minh Trí, việc đánh giá/ kiểm tra tâm lý được tiếp cận theo mô hình liên ngành, nghĩa là mỗi đánh giá không chỉ có sự tham gia của các chuyên viên tâm lý đủ năng lực mà còn có sự hội chẩn/ hoặc trực tiếp đánh giá bởi các bác sĩ y khoa, các chuyên viên trị liệu ngôn ngữ, các chuyên viên giáo dục và cha mẹ/ người chăm sóc. Việc nhìn nhận vấn đề của trẻ theo tiếp cận liên ngành giúp khám phá sâu sắc, chính xác vấn đề của trẻ hơn.
Tại Minh Trí, đội ngũ đánh giá bao gồm các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm lâm sàng từ 10 – 40 năm, có tâm huyết giúp đỡ trẻ em vượt qua các trở ngại và phát huy hết các tiềm năng.